Pyridostigmine

Pyridostigmine là gì?

Chỉ định của Pyridostigmine

Pyridostigmin được sử dụng trong điều trị bệnh nhược cơ, như một thuốc đảo nghịch hoặc đối kháng với các thuốc giãn cơ không khử cực kiểu cura.

Dược động học của Pyridostigmine

Pyridostigmin được hấp thu ít, với tỷ lệ thay đổi, qua đường tiêu hóa; chỉ khoảng 40% liều uống pyridos- tigmin được hấp thu, một lượng lớn bị phá hủy ở dạ dày ruột. Pyridostigmin được hấp thu nhiều nhất ở tá tràng. Bị thủy phân bởi cholinesterase và cũng bị chuyển hóa ở gan. Pyridostigmin được đào thải chủ yếu qua nước tiểu (ở cả dạng không đổi và dạng bị chuyển hóa). Một phần rất nhỏ được thải qua sữa.

Pyridostigmin phân bố ở dịch ngoại bào. Thuốc không vào được hệ thần kinh trung ương. Thuốc qua nhau thai và làm giảm hoạt tính cholinesterase huyết tương thai nhi sau khi uống thuốc liều cao.

Khi uống, thuốc thường có tác dụng sau 30 - 45 phút và kéo dài trong 3 - 6 giờ. Khi tiêm tĩnh mạch, lực cơ tăng lên sau 2 - 5 phút và sự cải thiện có thể tiếp tục trong 2 - 3 giờ ở phần lớn người bệnh. Sau khi tiêm bắp, thuốc bắt đầu có tác dụng trong vòng 15 phút.

Nửa đời thải trừ của thuốc là 1,49 giờ đối với tiêm bắp và 1,5 - 4,25 giờ, khi uống.

Dược lý của Pyridostigmine

Pyridostigmin bromid là một hợp chất amoni bậc bốn gây ức chế hoạt tính enzym cholinesterase có tác dụng giống neostigmin, nhưng tác dụng xuất hiện chậm và kéo dài hơn, vì thế thuốc được dùng chủ yếu trong điều trị bệnh nhược cơ. Khoảng cách giữa các liều của pyridostigmin dài hơn so với neostigmin, tạo thuận lợi trong điều trị bệnh nhược cơ. Vì thế có thể kết hợp pyridostigmin với neostigmin trong điều trị bệnh nhược cơ, thí dụ dùng pyridostigmin trong ngày và tối, neostigmin dùng vào buổi sáng.

Thuốc gây đáp ứng cholinergic toàn thân bao gồm tăng trương lực cơ xương và cơ ruột, co đồng tử, co thắt tử cung, co thắt phế quản, chậm nhịp tim, tăng tiết ở các tuyến ngoại tiết. Pyridostigmin có tác dụng giống cholin trực tiếp trên cơ xương.

Hướng dẫn sử dụng Pyridostigmine

Pyridostigmin bromid có thể uống hoặc tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch rất chậm.

Bệnh nhược cơ: Liều lượng có thể thay đổi từng ngày, tùy theo bệnh đỡ hay nặng lên, stress về cảm xúc và thể lực của người bệnh. Liều phải điều chỉnh để người bệnh dùng liều cao lúc phải gắng sức nhiều nhất (thí dụ 30 - 45 phút trước khi ăn để giúp người bệnh khi khó nuốt). Pyridogtigmin uống cùng với sữa hoặc thức ăn gây ít tác dụng phụ muscarinic.

Dạng uống (siro và viên nén)

Ðiều trị bệnh nhược cơ:

Người lớn và thiếu niên: Trước hết dùng liều 30 đến 60 mg, cách 3 đến 4 giờ một lần. Sau đó, liều duy trì từ 60 mg đến 1200 mg mỗi ngày (thường dùng 600 mg).

Trẻ em: Tổng liều hàng ngày thường là 7 mg/kg thể trọng (hoặc 200 mg/m2 diện tích cơ thể) chia làm 5 hoặc 6 lần. Có thể dùng liều đầu tiên là 30 mg cho trẻ dưới 6 tuổi hoặc 60 mg cho trẻ 6 - 12 tuổi. Liều này được tăng thêm dần 15 - 30 mg hàng ngày, cho đến khi đạt được hiệu quả mong muốn, nhưng tổng liều không vượt quá 360 mg/ngày.

Dạng uống, tác dụng kéo dài (viên nén giải phóng hoạt chất từ từ)

Ðiều trị bệnh nhược cơ nặng:

Người lớn và thiếu niên: 180 mg đến 540 mg/lần; 1 hoặc 2 lần/ngày, cách nhau ít nhất 6 giờ.

Dạng tiêm

Người lớn và thiếu niên: 2 mg/ lần; tiêm bắp hoặc tĩnh mạch, cách 2 - 4 giờ một lần (xấp xỉ 1/30 của liều uống thường dùng).

Trẻ em: 50 đến 150 microgam/kg thể trọng, tiêm bắp 4 đến 6 giờ một lần.

Bệnh nhược cơ ở trẻ sơ sinh: Neostigmin thường được ưa dùng hơn, tuy pyridostigmin cũng đã được dùng. Liều từ 50 - 150 microgam/kg, tiêm bắp hoặc 5 - 10 mg uống cách 4 - 6 giờ/lần. ít khi phải điều trị quá 8 tuần tuổi.

Ghi chú: Trên thực tế, chúng ta có thể sử dụng dung dịch pyridostigmin 0,25% - 0,5% để kích thích ruột khi bị liệt ruột sau phẫu thuật (tiêm dưới da, 1 - 3 ống/ngày; ống 1 ml; 0,1%).

Ðối kháng thuốc giãn cơ không khử cực:

Liều từ 10 đến 20mg, tiêm tĩnh mạch chậm (0,1 - 0,25 mg/kg). Trước đó, tiêm tĩnh mạch atropin sulfat 0,6 - 1,2 mg để chống lại bất cứ tác dụng muscarinic nào.

Chống chỉ định Pyridostigmine

Chống chỉ định dùng pyridostigmin ở người đã biết có quá mẫn với các thuốc kháng cholinesterase, hoặc ở người tắc ruột và tắc đường tiết niệu kiểu cơ học.

Tác dụng phụ Pyridostigmine

Đau dạ dày, tiêu chảy, nôn, chảy nước dãi, da nhợt nhạt, đổ mồ hôi lạnh, mờ mắt, chảy nước mắt, mót đi tiểu, lo âu và cảm giác hoảng loạn, yếu cơ, ngứa, phát ban da, nổi mề đay, nói lắp, nhầm lẫn, co giật, khó thở. Cần gặp bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.

Tương tác Pyridostigmine

Pyridostigmin dùng đường tiêm đối kháng một cách hiệu quả tác dụng của các thuốc giãn cơ không khử cực (như tubocurarin, metocurin, galamin, hoặc pancuronium), và tương tác này được sử dụng có lợi trong điều trị nhằm đảo nghịch sự giãn cơ sau phẫu thuật.

Atropin đối kháng với tác dụng muscarinic của pyridostigmin, và tương tác này được sử dụng để chống các tác dụng muscarinic khi ngộ độc pyridostigmin.

Dexpanthenol có thể hiệp đồng tác dụng với pyridostigmin bằng cách tăng sản xuất acetylcholin.

Các thuốc kháng cholinesterase đôi khi có hiệu lực để đảo nghịch sự chẹn thần kinh - cơ do các kháng sinh aminoglycosid gây ra. Tuy nhiên các kháng sinh aminoglycosid, các thuốc tê và một số thuốc mê, thuốc chống loạn nhịp, các thuốc gây cản trở dẫn truyền thần kinh cơ phải được sử dụng thận trọng ở người nhược cơ nặng, và liều của pyridostigmin có thể phải tăng lên sao cho phù hợp.

Lưu ý sử dụng Pyridostigmine

Cần dùng thận trọng pyridostigmin ở người động kinh, hen phế quản, nhịp tim chậm, mới tắc mạch vành, cường đối giao cảm, cường tuyến giáp, loạn nhịp tim hoặc loét dạ dày. Tránh uống liều lớn ở những người mắc chứng ruột kết to hoặc giảm nhu động dạ dày - ruột.

Ở một số người, pyridostigmin bromid kéo dài tác dụng hơn muối của neostigmin, trong những trường hợp như vậy thường hay gây các cơn tăng tiết acetyl-cholin.

Khi sử dụng pyridostigmin để điều trị bệnh nhược cơ, cần nhớ rằng, với cùng một liều thuốc kháng cholines-terase, có thể có những đáp ứng khác nhau ở những nhóm cơ riêng biệt: gây yếu ở một nhóm cơ này trong khi đó lại làm tăng lực cơ ở nhóm khác. Những cơ ở cổ và các cơ nhai và nuốt thường là nhóm cơ đầu tiên bị yếu đi khi dùng thuốc quá liều. Phải đo dung tích sống bất cứ khi nào tăng liều để có thể điều chỉnh liều thuốc kháng cholinesterase nhằm đảm bảo tốt chức năng hô hấp.

Pyridostigmin qua được nhau thai và bài tiết vào sữa mẹ, vì thế phải sử dụng thận trọng đối với người mang thai và cho con bú.

Sử dụng thuốc có tác dụng chống tiết cholin hoặc tác dụng giống như atropin phải hết sức cẩn thận, khi người bệnh cũng được điều trị bằng pyridostigmin vì các triệu chứng quá liều có thể bị che lấp bởi pyridos-tigmin, hoặc ngược lại, các triệu chứng dùng pyridos-tigmin quá liều cũng có thể bị che lấp bởi atropin và các thuốc giống atropin.

  • Phụ nữ có thai: Tính an toàn của pyridostigmin ở người mang thai vẫn chưa được xác định, nhưng những thuốc kháng cholinesterase có thể gây kích thích tử cung và gây đẻ non khi tiêm tĩnh mạch cho người mang thai gần kỳ sinh. Tuy nhiên, pyridostigmin đã được sử dụng trong thai kỳ mà không gây dị dạng cho thai. Ðã quan sát được yếu cơ tạm thời ở khoảng 10 - 20% trẻ sơ sinh, do mẹ đã dùng thuốc kháng cholinesterase để điều trị bệnh nhược cơ. Vì vậy, việc sử dụng pyridostigmin cho người mang thai cần phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy hại cho mẹ và con.
  • Bà mẹ cho con bú: Pyridostigmin bài tiết một phần vào sữa mẹ, vì vậy không nên dùng khi cho con bú.

Xử lý quá liều Pyridostigmine

Nếu nạn nhân hôn mê hoặc không thở được, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.

Xử lý quên liều Pyridostigmine

Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.

Cảnh báo khi sử dụng Pyridostigmine

Quá liều pyridostigmine có thể dẫn đến cơn cường cholin (cholinergic crisis), có thể dẫn đến tử vong.

Điều kiện bảo quản

Pyridostigmine

Giữ thuốc trong hộp kín, ngoài tầm với của trẻ em. Bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp.

Gọi Tư Vấn Miễn Phí Chat nhanh đặt hàng Chat FB