Chlorpromazine
Chlorpromazine là gì?
Chỉ định của Chlorpromazine
- Tất cả các thể tâm thần phân liệt.
- Giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực.
- Buồn nôn, nôn.
- Các chứng nấc khó chữa trị.
- An thần trước phẫu thuật.
- Bệnh porphyrin cấp gián cách.
- Bệnh uốn ván (là một thuốc hỗ trợ trong điều trị).
Dược động học của Chlorpromazine
Chlorpromazine được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Nồng độ đỉnh huyết tương đạt được sau khi uống từ 2 đến 4 giờ. Thuốc được chuyển hóa nhiều ở gan và bài tiết qua nước tiểu và mật ở dạng các chất chuyển hóa có và không hoạt tính.
Nồng độ trong huyết tương sau khi uống thấp hơn nhiều so với sau khi tiêm bắp. Nửa đời trong huyết tương khoảng 30 giờ, thuốc gắn mạnh với protein huyết tương (khoảng 95 tới 98%). Thuốc được phân bố rộng rãi trong cơ thể, qua được hàng rào máu - não và đạt được nồng độ trong não cao hơn trong huyết tương.
Chlorpromazine và các chất chuyển hóa cũng đi qua hàng rào nhau thai và tiết vào sữa mẹ.
Dược lý của Chlorpromazine
Chlorpromazine là một dẫn chất của phenothiazin với tác dụng chính là hướng thần, ngoài ra, thuốc có tác dụng an thần, chống nôn, kháng histamin và kháng serotonin.
Thuốc chống loạn thần là những chất đối kháng dopamin, đó là các thuốc chẹn thụ thể D2 - dopamin ở các đường thể vân liềm đen (hạch đáy não), củ phễu (hạ khâu não tới tuyến yên), giữa vỏ và giữa hồi viền của não, ngoài ra còn đối kháng cả các thụ thể dopamin của hành tủy và phần trước hạ khâu não.
Tác dụng chống loạn thần là do khả năng chẹn các thụ thể D2 của vùng giữa vỏ não và giữa hồi viền.
Tác dụng chống nôn là do chẹn các thụ thể dopamin ở vùng kích thích thụ thể hóa học của tủy và do phong bế dây thần kinh phế vị đường tiêu hóa. Tác dụng này có thể được tăng cường bởi các tác dụng an thần, kháng cholinergic và kháng histamin của các phenothiazin.
Tác dụng an thần và bình thản là do khả năng chẹn alpha - adrenergic và đối kháng thụ thể histamin H1 của phenothiazin.
Sự chẹn thụ thể D2 của các thuốc chống loạn thần ở tuyến yên (đường củ phễu) còn duy trì tăng tiết prolactin kéo dài dẫn đến tiết nhiều sữa, chứng to vú ở đàn ông, rối loạn kinh nguyệt và loạn chức năng tình dục.
Có sự liên quan rõ rệt giữa ái lực trên thụ thể D2 với hiệu lực của các thuốc chống loạn thần về mặt liều dùng hàng ngày. Có lẽ sự phát sinh của các tác dụng thứ phát ngoại tháp (loạn trương lực cơ cấp, hội chứng Parkinson, bồn chồn không yên) liên quan với hiệu lực của thụ thể D2 ở thể vân liềm đen tương ứng với hiệu lực của D2 ở giữa vỏ và giữa hồi viên. Với Chlorpromazine liều có tác dụng chẹn D2 của hạch đáy não cũng là liều cần thiết chẹn D2 của giữa hồi viên, do đó có nguy cơ tác dụng thứ phát ngoại tháp cao.
Dựa trên các ái lực liên kết tương đối (là tỉ lệ giữa các ái lực liên kết của thụ thể thần kinh khác đối với ái lực liên kết của thụ thể D2) người ta có thể dự đoán được khả năng gây ra các tác dụng thông qua thụ thể đó ở những liều chống loạn thần hữu hiệu trong lâm sàng và trường hợp quá liều. Hiệu lực tương đối có liên quan trực tiếp tới khả năng gây hạ huyết áp thế đứng, nhịp tim nhanh phản xạ và co đồng tử.
Các thuốc chống loạn thần liên kết và đối kháng với thụ thể muscarin M1 - acetylcholin. Hiệu lực tương đối liên quan trực tiếp tới khả năng dẫn nạp các dấu hiệu kháng cholinergic (an thần, hoang tưởng, ảo giác, giãn đồng tử, nhìn mờ, mạch nhanh, tăng thân nhiệt, đỏ da, khô da, khô miệng, bí tiểu tiện, tắc ruột) và ngược lại với tần suất các tác dụng thứ phát hội chứng ngoại tháp. Các tác dụng thứ phát ngoại tháp xảy ra khi tác dụng dopaminergic giảm liên quan với tác dụng cholinergic ở hạch đáy não. Các thuốc có hiệu lực dopaminergic cao so với ái lực cholinergic sẽ có khả năng dẫn nạp tác dụng thứ phát ngoại tháp nhiều hơn.
Chlorpromazine và các thuốc có tác dụng đối kháng cholinergic cao sẽ có khả năng gây tác dụng thứ phát ngoại tháp ít hơn.
Hướng dẫn sử dụng Chlorpromazine
Liều lượng thay đổi theo từng người bệnh và theo mục đích điều trị. Chlorpromazine không được tiêm dưới da vì có thể gây hoại tử mô nặng.
Tiêm bắp: Pha loãng dung dịch tiêm Chlorpromazine bằng dung dịch natri clorid tiêm và/hoặc thêm 2% procain để phòng kích ứng nơi tiêm.
Tiêm tĩnh mạch: Chỉ dùng khi bị nấc nặng, khi phẫu thuật hoặc trong bệnh uốn ván. Trước khi tiêm cần pha loãng thuốc với dung dịch natri clorid tiêm.
Cần theo dõi chặt chẽ huyết áp để phòng và kịp xử lý hạ huyết áp khi dùng dạng tiêm.
Liều và hàm lượng của các dạng thuốc tính theo Chlorpromazine base (không theo dạng muối hydroclorid).
Với các chứng nấc khó chữa: Khi bắt đầu điều trị dùng dạng uống, nếu các triệu chứng vẫn còn kéo dài 2-3 ngày thì dùng dạng tiêm bắp, nếu còn nấc thì truyền tĩnh mạch chậm.
Ðiều trị các bệnh loạn tâm thần
Người lớn: Uống: 10 - 25mg/ lần, 2 - 4 lần/ ngày. Với viên nang giải phóng chậm: 30 - 300mg, 1 - 3 lần/ ngày. Tiêm bắp khi có những rối loạn nặng: Bắt đầu 25 - 50mg; có thể tiêm nhắc lại trong 1 giờ và sau đó cách 3 - 12 giờ/ lần; có thể tăng liều, nếu cần. Liều tối đa: 1g/ ngày (đôi khi có thể tăng dần tới 2g/ ngày hoặc hơn trong thời gian ngắn).
Trẻ em: Từ 6 tháng tuổi trở lên: 0,55mg/ kg thể trọng/lần, uống cách 4 - 6 giờ/ lần hoặc tiêm bắp cách 6 - 8 giờ/ lần.
Ðiều trị buồn nôn, nôn
Người lớn: Uống 10 - 25mg/ lần; cách 4 giờ một lần nếu cần. Tiêm bắp: Ðầu tiên 25mg; sau đó có thể tiêm từ 25-50mg, cách 3 - 4 giờ/ lần nếu cần. Ðặt trực tràng: 50 - 100mg/ lần; cách 6 - 8 giờ/ lần nếu cần.
Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi: Liều chưa được xác định.
Trẻ em: Từ 6 tháng tuổi trở lên: thường dùng 0,55mg/ kg thể trọng, uống 4 - 6 giờ/ lần hoặc tiêm bắp: 6 - 8 giờ/ lần, hoặc đặt trực tràng: 1mg/ kg thể trọng, 6 - 8 giờ/ lần.
An thần trước phẫu thuật
Người lớn: Uống: 25 - 50mg, 2 - 3 giờ trước phẫu thuật. Tiêm bắp: 12,5 - 25mg, 1 - 2 giờ trước phẫu thuật.
Trẻ em: Từ 6 tháng tuổi trở lên: 0,55mg/ kg thể trọng, uống trước khi mổ 2 - 3 giờ, hoặc tiêm bắp trước khi mổ 1 - 2 giờ.
Ðiều trị nấc
Người lớn: Uống hoặc tiêm bắp 25 - 50mg/ lần, 3-4 lần/ ngày. Tiêm truyền tĩnh mạch: 25 - 50mg, pha loãng trong 500 - 1000ml dung dịch tiêm natri clorid và truyền chậm với tốc độ 1ml/ phút. Theo dõi huyết áp sát sao.
Trẻ em: Liều chưa được xác định.
Ðiều trị rối loạn chuyển hóa porphyrin
Người lớn: Uống 25 - 50mg/ lần x 3 - 4 lần/ ngày. Tiêm bắp: 25mg/ lần; cách 6 - 8 giờ/ lần cho tới khi người bệnh có thể điều trị theo đường uống.
Trẻ em: Liều chưa được xác định.
Ðiều trị uốn ván
Người lớn: Tiêm bắp: 25 - 50mg/ lần x 3 - 4 lần/ ngày. Liều có thể tăng lên dần nếu cần. Tiêm truyền tĩnh mạch: 25 - 50mg pha loãng tới nồng độ ít nhất 1mg/ ml bằng dung dịch tiêm natri clorid và truyền với tốc độ 1ml/ phút.
Trẻ em: Tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch: 0,55mg/ kg thể trọng; cách 6 - 8 giờ/ lần.
Chống chỉ định Chlorpromazine
Người bệnh ngộ độc các barbiturat, các opiat và rượu. Người bệnh có tiền sử giảm bạch cầu hạt, rối loạn máu, nhược cơ.
Tác dụng phụ Chlorpromazine
Buồn ngủ, thờ ơ, đi bộ dáng kéo lê, bồn chồn, lo lắng, căng thẳng, chuyển động bất thường, chậm hoặc không kiểm soát được, khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ, tăng sự thèm ăn, tăng cân, vú tiết sữa, ngực to ra, mất kinh, giảm khả năng tình dục, thay đổi màu sắc da, khô miệng, sưng mũi , tiểu khó, co hẹp hoặc giãn đồng tử, cảm sốt, cứng cơ bắp, nhầm lẫn, nhịp tim nhanh hoặc không đều, ra mồ hôi, vàng da hoặc mắt, triệu chứng giống cúm, đau họng, ớn lạnh và các dấu hiệu nhiễm trùng khác, chảy máu bất thường hoặc bầm tím, đau cổ, lưỡi nhô ra khỏi miệng, nghẹt cổ họng, khó thở hoặc khó nuốt, không kiểm soát được cử động miệng, mặt hoặc hàm, co giật, rộp da, phát ban, nổi mề đay, ngứa, sưng mắt, mặt, miệng, môi, lưỡi, cổ họng, cánh tay, bàn tay, bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân, mất thị lực, đặc biệt là vào ban đêm, nhìn thấy mọi thứ có màu nâu. Cần gặp bác sĩ nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng.
Tương tác Chlorpromazine
Dùng kết hợp các phenothiazin với các thuốc gây ức chế thần kinh trung ương (như thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc an thần gây ngủ, các opiat, rượu) làm tăng ức chế hô hấp và tăng ức chế thần kinh trung ương.
Các barbiturat làm tăng chuyển hóa của Chlorpromazine ở gan, làm giảm nồng độ thuốc trong huyết tương và có thể giảm hiệu lực điều trị.
Dùng đồng thời với thuốc chống trầm cảm ba vòng, một số thuốc giãn cơ xương, thuốc kháng histamin hoặc thuốc chống Parkinson có thể làm tăng các tác dụng kháng cholinergic.
Dùng adrenalin để điều trị chứng hạ huyết áp do các phenothiazin có thể làm cho huyết áp hạ thêm vì các tác dụng alpha - adrenergic của adrenalin có thể bị chẹn, nên chỉ còn sự kích thích beta, làm cho hạ huyết áp trầm trọng và gây chứng tim đập nhanh.
Dùng kết hợp các thuốc chống loạn thần với lithium hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể làm tăng độc tính với thần kinh.
Dùng đồng thời các thuốc chống loạn thần và các thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể làm giảm sự chuyển hóa và tăng độc tính của cả 2 loại thuốc.
Lưu ý sử dụng Chlorpromazine
Trước khi dùng chlorpromazine, cho bác sĩ và dược sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với chlorpromazine; phenothiazin như fluphenazine, perphenazine, prochlorperazine (Compazine), promethazine (Phenergan), thioridazine, trifluoperazine hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác và các thuốc bạn đang dùng hoặc dự định dùng. Nói với bác sĩ nếu bạn có hay đã từng có bệnh hen suyễn; khí phế thũng; nhiễm trùng phổi hoặc ống phế quản; tăng nhãn áp; ung thư vú; pheochromocytoma niệu; co giật; điện não bất thường (EEG); bất kỳ yếu tố nào ảnh hưởng đến việc sản xuất các tế bào máu của tủy xương; bệnh tim, gan hoặc bệnh thận. Nói với bác sĩ nếu bạn đã từng phải dừng thuốc chữa bệnh tâm thần do mắc tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc nếu có kế hoạch làm việc với thuốc trừ sâu phospho hữu cơ. Nếu bạn đang có phẫu thuật, kể cả phẫu thuật nha khoa, cho bác sĩ hoặc nha sĩ biết bạn đang dùng chlorpromazine. Cho bác sĩ chụp X-quang biết bạn đang dùng chlorpromazine. Thuốc có thể gây buồn ngủ. Không lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ việc gì đòi hỏi sự tỉnh táo cho đến khi ảnh hưởng này của thuốc chấm dứt. Tránh các đồ uống có cồn. Chlorpromazine có thể làm cho da bạn nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, cần có kế hoạch tránh tiếp xúc không cần thiết hoặc kéo dài với ánh sáng mặt trời và mặc quần áo bảo hộ, dùng kính mát và kem chống nắng. Chlorpromazine có thể gây chóng mặt, choáng váng, tim đập nhanh, ngất xỉu khi thay đổi đột ngột vị trí. Tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Các thuốc có tác dụng kháng cholinergic, đặc biệt, có nguy cơ cao gây tác dụng có hại đối với hệ thần kinh trung ương ở người bệnh sa sút trí tuệ và người bệnh có tổn thương não.
- Phụ nữ có thai: Dùng chlorpromazine và các thuốc an thần kinh khác trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây tác dụng có hại về thần kinh cho trẻ sơ sinh là các rối loạn ngoại tháp. Các tác dụng này thường hồi phục, nhưng cũng có thể rất nặng. Vì nguy cơ đó, tránh dùng thuốc an thần kinh ở 3 tháng cuối của thai kỳ.
- Bà mẹ cho con bú: Vì chlorpromazine bài tiết vào sữa và có khả năng gây các phản ứng có hại nguy hiểm cho trẻ bú mẹ, do đó nếu người mẹ khi dùng thuốc thì nên ngừng cho con bú.
- Người cao tuổi: Giảm liều do có nguy cơ cao mắc các tác dụng không mong muốn, thường chỉ dùng từ 1/4 đến 1/2 liều của người trưởng thành.
Xử lý quá liều Chlorpromazine
Các triệu chứng của quá liều có thể bao gồm: buồn ngủ, mất ý thức, chuyển động bất thường, chậm hoặc không kiểm soát được, lo lắng, bồn chồn, cảm sốt, co giật, khô miệng, nhịp tim không đều. Nếu nạn nhân hôn mê hoặc không thở được, cần gọi cấp cứu ngay lập tức.
Xử lý quên liều Chlorpromazine
Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.
Cảnh báo khi sử dụng Chlorpromazine
Thuốc có thể gây ra các triệu chứng ngoại tháp, hội chứng Reye hoặc bệnh não; rối loạn vận động Tardive; hội chứng an thần kinh ác tính (NMS); ức chế tủy xương. Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú.
Điều kiện bảo quản Chlorpromazine
Giữ thuốc trong hộp kín, ngoài tầm với của trẻ em. Bảo quản ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh nguồn nhiệt và ánh sáng trực tiếp.